Hòn vọng phu có nguy cơ sụp đổ
Chính quyền P.An Hưng (TP.Thanh Hóa,ụmditíchquốcgianúiNhồibịxâmhạixuốngcấpnghiêmtrọảnh thị nhung ngầu Thanh Hóa), nơi có di tích, và Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đều khẳng định Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi Nhồi (cụm di tích núi Nhồi) đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và bị xâm hại.
Hòn vọng phu là khối đá cao hơn 20 m, nằm trên đỉnh núi Nhồi (núi Nhồi cao khoảng 120 m so với mực nước biển), là một trong những di tích thuộc cụm di tích núi Nhồi. Hiện di tích này đang có nguy cơ sụp đổ rất cao.
Theo ghi nhận của PV, từ con đường nhỏ trong khu phố Tây Sơn (P.An Hưng), muốn lên Hòn vọng phu phải đi nhờ qua phần đất của một hộ dân. Hòn vọng phu nằm giữa tàn tích của bãi khai thác đá, xung quanh lởm chởm các tảng đá lớn nhỏ. Quan sát cả 4 hướng quanh Hòn vọng phu cho thấy di tích bị lệch nghiêng theo phương thẳng đứng khoảng hơn 10 độ về phía đông, cảm giác chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể làm đổ sập.
Ông Lê Văn Trường (65 tuổi, ngụ P.An Hưng), người thường xuyên lên Hòn vọng phu, cho biết tối 15.6.2022, khi ông đang ngủ ở gian nhà dưới chân Hòn vọng phu thì bất ngờ sét đánh vào Hòn vọng phu. Sáng thức dậy, ông Trường phát hiện nhiều tảng đá lớn bị sét đánh bong tróc.
"Đây không phải lần đầu tiên sét đánh vào Hòn vọng phu. Trước đây cũng có lần sét đánh rồi, nhưng chỉ một tảng đá nhỏ bị bong tróc. Những năm qua Hòn vọng phu nói riêng và cụm di tích núi Nhồi nói chung hầu như không được quan tâm, không được bảo vệ tốt", ông Trường cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, Hòn vọng phu đã 2 lần bị sét đánh. Lần gần nhất vào ngày 15.6.2022, sét đã đánh trúng gây sạt lở khối đá kích thước 1 x 3 m ở phía tây, và khối đá kích thước 2,5 x 3 m phía đông Hòn vọng phu. Sự cố khiến Hòn vọng phu đặt trong tình trạng rất nguy cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, bảo tồn.
Ngoài Hòn vọng phu đang trong tình trạng báo động, lăng Quận Mãn và chùa Quan Thánh đều nằm trong cụm di tích quốc gia núi Nhồi thời gian qua cũng bị lãng quên, bị xâm hại thô bạo.
Tháng 11.2022, hơn 10 tấm bia ma nhai ở chùa Quan Thánh bị tô nhiều màu sơn khác nhau, làm biến đổi nguyên trạng ban đầu của di tích. Nền các văn bia khắc trên vách núi bị sơn màu vàng, chữ tô màu đỏ. Trong đó, một tấm bia còn bị khoan, đục lỗ để vít thanh sắt vào tảng đá làm mái che, gây hư hỏng 2 chữ trong văn bia. Khu lăng Quận Mãn cũng không được chăm sóc, bảo tồn chu đáo khiến nhiều tượng đá phơi nắng phơi mưa.
Hòn vọng phu: Vừa ôm con chờ chồng, vừa thấp thỏm chờ sập
Bao giờ mới có hệ thống chống sét ?
Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó chủ tịch UBND P.An Hưng, Trưởng ban Quản lý di tích phường này, xác nhận cụm di tích quốc gia núi Nhồi đã bị xâm hại và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng chính quyền địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền cho người dân chứ không có khả năng làm dự án bảo tồn, tôn tạo.
"Cách đây khoảng 5 - 6 năm, Hòn vọng phu đã bị sét đánh, và lần mới đây là ngày 15.6.2022. Cái cấp thiết nhất bây giờ là tập trung làm hệ thống chống sét, nhưng địa phương chỉ tuyên truyền cho nhân dân bảo vệ di tích chứ khó có kinh phí để tôn tạo, phải trông chờ vào thành phố và Sở VH-TT-DL. Còn công tác quản lý hiện nay cũng rất khó khăn vì ngày xưa quy hoạch bộ, mốc giới không rõ ràng, mốc giới chỉ có trên bản đồ chứ không có trên thực địa", ông Lợi cho hay.
Khi được hỏi về việc đầu tư hệ thống chống sét có quá chậm trễ khi Hòn vọng phu đã nhiều lần bị sét đánh dẫn tới nguy cơ đổ sập, ông Lợi cho biết việc này ông không phát ngôn được.
Trao đổi với Thanh Niênvề thực trạng cụm di tích núi Nhồi, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, cũng khẳng định từ khi được xếp hạng đến nay các công trình trong cụm di tích chưa được quan tâm đúng mức và đang xuống cấp nghiêm trọng.
"Nguyên nhân cụm di tích xuống cấp, bị xâm hại một phần do biến thiên của lịch sử, tác động của con người và tự nhiên như sét, mưa bão. Ngoài ra, còn do việc buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương, nhận thức chưa đầy đủ; và nhu cầu, lợi ích kinh tế trước mắt của một bộ phận người dân trong khu vực di tích dẫn tới hoạt động khai thác đá trái phép, nổ mìn khai thác đá, chế tác ở dưới chân núi và khu vực lân cận đã tác động làm di tích bị xuống cấp nhanh chóng. Chính quyền địa phương chưa có sự quan tâm đối với di tích, nhất là trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của từng di tích, dẫn đến tình trạng các di tích xuống cấp nghiêm trọng và bị xâm phạm về nhiều mặt", ông Hồng cho hay.
Theo ông Hồng, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã đề nghị UBND TP.Thanh Hóa rà soát quy hoạch chi tiết toàn bộ cụm di tích, triển khai lập và điều chỉnh lại quy hoạch, lập dự án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi cụm di tích một cách tổng thể. Riêng Hòn vọng phu thì cần đầu tư sớm hệ thống chống sét để sớm bảo vệ an toàn.
Rõ ràng việc chống sét cho di tích Hòn vọng phu là vô cùng cấp bách, nhưng đến nay chính quyền các cấp và đơn vị chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất phương án.
Tại hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn Hòn vọng phu, do Sở VH-TT-DL Thanh Hóa tổ chức ngày 1.10, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho rằng danh thắng Hòn vọng phu có giá trị về mặt lịch sử và cảnh quan, nhưng hiện trạng đã bị tróc vỡ, xuất hiện nhiều vết nứt; khối đá hình Hòn vọng phu hiện trạng đổ nghiêng theo phương thẳng đứng từ 10 - 15 độ, và có nguy cơ tiếp tục bị sét đánh gây sụp đổ. Ông Thành đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa lập biển báo khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở; sử dụng các giải pháp như lưới thép, hàng rào để đảm bảo an toàn và thẩm mỹ, hạn chế tác động của hiện tượng đá lăn, đá đổ; đồng thời lập phương án chống sét tiếp tục đánh vào Hòn vọng phu.
Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi Nhồi được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao (nay là Bộ VH-TT-DL) quyết định công nhận là di tích quốc gia từ năm 1992. Cụm di tích gồm chùa Hinh Sơn, chùa Tiên Sơn, Đình Thượng, lăng Quận Mãn và Hòn vọng phu.