10 giờ sáng,ườiđànôngUkhởinghiệpcàphêmuốilờitomởthêmquáncơmđồtaxi thái nguyên nhân viên quán cơm 0 đồng ở địa chỉ số 12, đường số 4 (P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM) tất bật chuẩn bị đồ ăn, sắp xếp bàn ghế đón những vị khách đầu tiên.
Quán có không gian rộng rãi, sạch sẽ, khách ghé đến là những người chạy xe ôm, bán vé số, bảo vệ… có hoàn cảnh khó khăn. Chủ quán cơm 0 đồng này là ông Dương Thanh Long (56 tuổi, quê Quảng Ngãi). Ông cũng là nhân vật chính trong bài viết: "Xe cà phê 'khởi nghiệp' của U.60 nườm nượp khách ở TP.HCM" đăng tải trên báo Thanh Niên.
Cảm ơn tất cả…
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Long cho biết, xe cà phê muối mở đầu tiên ở đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) vào cuối tháng 2.2023 khách ghé đến rất đông. Ông nảy ra ý định làm "cuốn chiếu", liên tục mở các chi nhánh khác để khách dễ dàng tìm mua. Đến nay, hệ thống cà phê muối này đã có hơn 20 chi nhánh ở TP.HCM và các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương…
Những ngày mở xe cà phê đầu tiên, ông nhận được nhiều sự yêu thương, ủng hộ từ mọi người. Ông biết ơn điều đó và quyết định lan tỏa đến những người khó khăn bằng cách mở quán cơm 0 đồng. Người đàn ông sẽ "không chịu nổi" nếu giữ riêng tình thương đó và xem đây là cách cảm ơn tất cả mọi người.
"Tôi tham gia hoạt động thiện nguyện ở các tỉnh và sau đó mở quán cơm 0 đồng. Tôi cũng là người đi lên từ sự thiếu thốn nên nặng lòng với việc giúp đỡ mọi người khi việc kinh doanh phát triển", ông nói.
Chi phí thực hiện được ông trích từ lợi nhuận kinh doanh. Nhân viên quán cà phê muối cũng nhiệt tình tham gia, hỗ trợ quán cơm 0 đồng. Quán cơm phục vụ các món chay, mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 11 – 13 giờ. Ông dự tính sẽ chuẩn bị 200 suất ăn mỗi ngày và có thể điều chỉnh tùy vào số lượng khách đến quán.
Ông Dương Trung Chấn (66 tuổi, quê Vĩnh Long) lên TP.HCM chạy xe ôm 11 năm nay. Ông thuê nhà trọ mỗi tháng 1,2 triệu đồng, khi thấy quán cơm 0 đồng ông vào ăn thử để tiết kiệm 20.000 đồng ăn trưa.
"Mỗi ngày tôi chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng vì giờ khách rất ít và chủ yếu họ đi xe ôm công nghệ. Nay tôi ăn cơm ở đây thấy ngon, mọi người đón tiếp nhiệt tình. Bữa cơm không chỉ giúp tôi no bụng mà có thêm sự động viên ngoài xã hội còn nhiều người tốt bụng", ông nói.
Chị Trịnh Ngọc Thủy (43 tuổi, quê Bình Phước) cảm thấy may mắn khi nhìn thấy quán cơm 0 đồng. Sau khi thưởng thức bữa trưa, người phụ nữ tấm tắc khen. Từ nhỏ đến lớn, chị bán vé số, thu nhập không nhiều nên những bữa ăn miễn phí rất có ý nghĩa.
"Cơm chay ngon hơn mì tôm tôi thường xuyên ăn. Giờ nhiều người thất nghiệp nên vé số cũng ế theo. Tôi hi vọng họ sẽ duy trì quán ăn 0 đồng để những người có thu nhập thấp không phải lo lắng tiền ăn trưa", người phụ nữ bộc bạch.
Tập trung kinh doanh
Người đàn ông tiết lộ, bản thân không thể quán xuyến được tất cả mọi việc nên có người con gái ruột đứng sau hỗ trợ việc thuê mặt bằng, thuê nhân viên, truyền thông…
Khởi nghiệp thành công, ông nói có thể tự hào với bà con xung quanh, không còn đau đáu nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Tuy nhiên, hiện ông có thêm nỗi lo làm sao để người nghèo có những bữa cơm ngon.
Cách đây không lâu, ông Long vướng đến lùm xùm liên quan việc hợp tác bán sỉ với người khác. Bài đăng tố ông cạnh tranh không lành mạnh, mở thêm chi nhánh gần với nơi khách sỉ bán.
Ông cho rằng, bản thân đồng ý để họ lấy nguyên liệu về bán nhưng không muốn khách sỉ lấy hình ảnh hay biết công thức riêng. Hai bên không có sự thỏa thuận nên đã dừng phương thức hợp tác bán sỉ này.
Ông Long khẳng định tuyệt đối không nhượng quyền cà phê muối với bất kỳ hình thức nào. Ông không muốn thương hiệu cà phê muối của mình qua tay người khác vì sợ không đảm bảo chất lượng.
"Thời gian qua tôi không để những bình luận tiêu cực hoặc thiếu căn cứ ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Tôi dành thời gian cho các quán cà phê và lo cho quán cơm 0 đồng. Tôi tiếp nhận những ý kiến mang tính góp ý, không quan tâm đến những vấn đề khác", người đàn ông bày tỏ.